Có một cửa hàng sửa túi xách, vali nằm ở góc đường Nguyễn Trãi - Nguyễn Văn Cừ mà mỗi lần đi qua tôi lại theo thói quen ngoái lại nhìn, không phải vì sự bề thế của cửa hàng mà vì cô chủ tiệm ngồi bàn máy may đằng trước.
Cô khoảng hơn 50 tuổi, vóc người cao lớn chắc nịch. Điểm đặc biệt của cô là mỗi ngày, dù mát mẻ hay nắng nóng đều mặc áo dài hoặc bà ba, cổ vắt chiếc khăn rằn, ngồi đạp máy may. Cô không vội vã, động tác đạp máy rất từ tốn như thể hưởng thụ công việc của mình. Tóc cô được bới gọn sau gáy, vài sợi tóc mai bay bay theo gió…
Dưới chân cô, cạnh máy may là chiếc loa cũ. Gu nghe nhạc của cô cũng đặc biệt, có bữa đi ngang tôi thấy cô bật cải lương, ca cổ, có bữa lại là những bài rap thời thượng làm không khí xung quanh trở nên sống động hơn. Cái loa ấy không bao giờ tắt, cứ phát suốt ngày như một phần không thể thiếu của phố xá Sài Gòn.
Nhìn cô tôi lại nghĩ đến người Sài Gòn xưa, những người sống trong sự giản dị, bình lặng nhưng ôm ấp một tình yêu quê hương sâu sắc, qua những trang phục dân tộc cô khoác lên mình mỗi ngày. Cô không chỉ sửa túi xách mà còn như đang giữ gìn một phần văn hóa, để không bao giờ bị lãng quên.
Những con người bình dị như cô không nổi bật, không gây sự chú ý nhưng lại là một phần linh hồn của thành phố này, nó làm cho Sài Gòn thêm phần sống động, thêm phần sâu sắc. Đó cũng là điều khiến tôi yêu Sài Gòn hơn và hiểu rằng, đôi khi tình yêu không đến từ những tòa nhà cao chọc trời, mà là những góc đường nhỏ, những con người giản dị đời thường như thế…
Tác giả bài viết: Phi Yến
Ý kiến bạn đọc
Những tin cũ hơn
Đây không chỉ là nơi kết nối những người yêu văn hóa, mà còn là điểm đến lý tưởng để khám phá, học hỏi và đóng góp vào sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa Việt Nam. Mục Tiêu Của Vanhoaviet.org Vanhoaviet.org hướng đến mục tiêu trở thành cầu nối giữa quá khứ, hiện tại và tương lai của văn...