Mâm cỗ Bắc

Thứ ba - 11/02/2025 18:21
Tôi nói giọng Nam nên ít người biết cả bố và mẹ đều là gốc Bắc, ông bà nội ngoại lại là người chính gốc Tràng An, gia phong lễ nghĩa từ bé đã được rèn tập kĩ lưỡng.
Một mâm cỗ của gia đình miền Bắc dịp đầu Xuân
Một mâm cỗ của gia đình miền Bắc dịp đầu Xuân

Từ cách ngồi mâm phải đợi bề trên cầm đũa, mời cơm phải từ lớn đến bé, sắp mâm đũa thế nào, chào hỏi dạ thưa ra sao đều có quy tắc cả.

Người Bắc rất coi trọng giỗ chạp. Ngày này con cái bận bịu mấy cũng về quây quần, đặc biệt cánh phụ nữ càng phải có mặt từ sớm để bày biện bàn thờ, nấu đồ cúng kiếng cho đúng lễ nghi.

Tầm 7, 8 tuổi mẹ đã đưa chị em tôi về phụ dọn dẹp bếp núc trong những ngày giỗ, mà người Bắc hình như nhà nào cũng nhiều đám giỗ, có tháng tận hai đám liền.

Mâm cơm cúng giỗ có đổi món cách mấy cũng không thể thiếu dĩa gà luộc, tô canh măng nấu giò, nộm đu đủ, dĩa bóng xào thơm nức. Đặc biệt gà luộc phải có lá chanh thái nhuyễn để lên trên và dĩa muối tiêu chanh mới đúng điệu.

Sau này làm dâu người Nam, đám giỗ cũng hay có dĩa gà luộc. Nhà chồng tôi không cầu kì trong việc bày biện, gà chặt miếng vuông xong cứ xếp lên dĩa, đầy đặn là được.

Dĩa gà trên mâm cỗ người Bắc thì khác, không tính đến chuyện luộc sao cho miếng gà vừa giòn vừa vàng óng, trước tiên phải là gà sống thiến đã, loại gà công nghiệp bở rẹt không bao giờ có mặt trên mâm.
 

2024 1 20 638413550421954857 cach luoc ga gia nhanh mem va meo nau ga giu duoc huong vi da vang ong khong bi rach
Gà luộc lá chanh là món không thể thiếu trên những mâm cỗ của người miền Bắc

Gà luộc xong chặt miếng vừa ăn, không xếp lên ngay mà dùng cái đĩa sâu lòng xếp ngược miếng gà. Lớp dưới cùng xếp úp, chọn miếng nào đẹp nhất, da còn tươi nguyên không sứt sẹo để lúc lật lên thì đạt tính thẩm mĩ cao. Hết lớp một là đến lớp hai, lớp ba, sau cùng dùng đĩa hoa chẹt úp vào rồi lật ngược lại, đĩa gà lúc này tròn đầy, vung lên như cái lòng bàn tay khum. Gần ăn mới rắc lá chanh thái mỏng lên trên cho tươi đẹp.

Người Bắc không chỉ thích ăn ngon mà còn thích nhìn ưng mắt. Thái đĩa chả phải bày cho tròn vành, có khi xếp con rùa, có khi xếp đoá hoa bung nở. Có bác thái chả hình thoi rất đẹp, có bác lại thích chả hình tam giác, mà miếng nào cũng phải đều chằn chặn mới đạt yêu cầu. Dĩa chả ngoài chả là nhân vật chính còn có hoa cà rốt hoặc hoa ớt cắt tỉa đẹp đẽ, điểm vài cọng ngò, nhìn chung phải màu mè chứ để dĩa chả không là bị bà cằn nhằn ngay, nói là không khéo.
 

chả

Chị em tôi khi ấy còn nhỏ, ngoài tỉa rau củ chơi chơi thì chủ yếu là sắp chén đũa ra lau kĩ. Chén đũa ăn giỗ khác chén ăn cơm bình thường, cái nào cũng đẹp, không được mẻ miệng nên liệu cầm cẩn thận, không được để va chạm lanh canh.

Nhà bà ngoại tôi đến giờ bữa cơm hàng ngày vẫn phải có đồ gác đũa, lót giấy ăn bên dưới, chén nằm trên. Chưa ăn thì chén úp xuống chứ không được ngửa lên để tránh bụi bặm.

Các bạn đọc các sách văn học cũ có nghe nhắc mâm trên mâm dưới là đúng đấy. Mâm trên dành cho bậc trưởng bối: ông bà, cha mẹ, chú bác, đồ ăn bao giờ cũng đầy đặn đẹp mắt hơn. Mâm dưới là của lũ trẻ nhỏ, dùng loại chén thường cũng được. Nhà bà nội có một tấm phản gỗ lớn, là "mâm dưới" trong các ngày giỗ, bất di bất dịch.

Sau khi người lớn tuổi nhất trong nhà thắp nhang mời các cụ về vui với con cháu xong, nhang tàn hơn nửa mới được ngồi vào bàn. Mâm trên đụng đũa trước thì mâm dưới mới được ăn. Trước khi ăn phải mời khắp lượt, cứ đứa lớn mời xong đứa nhỏ bắt chước. Nhà tôi đông con cháu, các cháu mời đủ vòng có khi các bác đã ăn được đôi món rồi.

Có một điểm tôi không thích lắm ở mâm cỗ Bắc, đó là người phụ nữ thường ăn sau cùng, có khi ngồi ăn dưới bếp để dọn dẹp cho tiện. Thế nhưng mẹ và các bác gái lại cho đó là đương nhiên, vẫn cười nói rôm rả lắm. Giỗ chạp là dịp họp mặt đông đủ, không ai nhăn mày nhíu trán, cho là chuyện không hay.

Xã hội giờ phát triển, nhiều nơi nhận nấu cỗ trọn gói, cứ đúng giờ là chở qua vừa thức ăn, vừa hoa, vừa trái cây, bao thầu luôn cả phần bày biện. Gia đình tôi vào Nam sống đã lâu, các bác cũng không còn quá câu nệ nên việc chuẩn bị giỗ chạp đã dần phai nhạt, đơn giản là về ăn bữa cơm, thắp nén nhang lên bàn thờ. Ăn xong con cháu túa đi làm, không còn cảnh xúm xít cùng rửa chén bát vừa râm ran trò chuyện nữa...

Thỉnh thoảng xem một bộ phim trên ti-vi về cái thời xa xưa ấy, tôi lại thấy hồi ức vụn vặt ùa về, có tiếng cười, có tiếng bà làu bàu nhắc nhở, tiếng ông đi ra đi vào kiểm tra bàn thờ xem đủ lễ chưa...

Còn nhớ, là còn thấy giá trị gia đình thiêng liêng lắm, đâu dễ quên đi.

Tác giả bài viết: Én

Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn https://vanhoaviet.org là vi phạm bản quyền
logo250
 
 Tags: #mamcoBac, #amthuc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Lê Hoàng Nga My - Phó chủ tịch CLB Yêu Văn Hoá Việt

Nga My bắt đầu theo đuổi đam mê nghệ thuật múa từ khi còn nhỏ. Cô đã theo học tại trường Múa và tốt nghiệp loại xuất sắc hệ 7 năm, khẳng định năng khiếu và sự nỗ lực không ngừng trong lĩnh vực này. Trong sự nghiệp, Nga My đã tham gia hai mùa của chương trình "So You Think You Can Dance" (Thử...

Thăm dò ý kiến

Bạn biết chúng tôi qua kênh nào ?

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây